Tôi stress nặng vì con đuối dần do học vẹt

12/11/2024

Tôi stress nặng vì con đuối dần do học vẹt

Dù sớm tiếp cận với tư tưởng giáo dục phương Tây, nhưng nhìn xung quanh bạn bè của con ai cũng học như robot, tôi buộc phải đu theo.

Tôi vừa mới có cuộc trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập của con mình. Phải công nhận một điều rằng, con tôi lúc sinh ra là một đứa trẻ rất bình thường, nhưng khi vào guồng máy học vẹt thì con càng ngày lại càng lẹt đẹt. Với những người làm bố, làm mẹ như chúng tôi cũng phải đuối theo con.

Nhiều khi tôi nghĩ thương con vì đã học ở trường hai buổi sáng, chiều rồi, mà tối về vẫn còn phải đi học thêm. Nhưng khổ nỗi, nếu không học thêm như vậy thì con lại thua kém bạn bè, rồi dần dần sẽ trở nên tự ti, chán học. Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng may mắn được trời phú cho khả năng học giỏi. Đó là một kiểu tài sản vô giá. Còn tôi nếu không đi học thêm thì lại phải có bố mẹ kèm cặp thêm mới ổn.

Lên lớp 7, con tôi lần đầu tiên bắt đầu đi học thêm môn Tiếng Anh ở trung tâm. Còn tôi ở nhà cũng tự kèm con học, giúp con biết đọc từ lúc ba tuổi theo phương pháp Glenn Domain. Lên tiểu học, con chẳng học thêm gì cả mà vẫn cứ giỏi. Nhưng tự nhiên lên cấp hai, con từ từ bị đuối. Chắc một phần cũng vì tôi bận kèm cho con thứ hai đọc, viết nên để cho con lớn thoải mái vui chơi trọn cả kỳ nghỉ hè, không học thêm trước chương trình nên giờ lẹt đẹt so với các bạn cùng lớp.

Từ đây, yêu cầu học thêm, dạy thêm trở thành một nhu cầu thực tế. Nhất là những gia đình có điều kiện, và đặc biệt là các gia đình có truyền thống hiếu học, luôn muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đưa con đến lớp học thêm, nhằm bổ trợ kiến thức cần thiết, tránh bị thua kém bạn bè.

Đó cũng là nguyên nhân nhiều học sinh bị mất căn bản trên lớp, dẫn đến tình trạng chán học, đến lớp nghe thầy cô giảng bài mà như "vịt nghe sấm", không hiểu gì.

Tôi từng trực tiếp chứng kiến nhiều cháu đã học đến lớp 5, nhưng đọc vẫn không thông, viết vẫn chưa thạo. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, cháu vẫn đều đặn lên lớp qua mỗi năm, vậy thử hỏi làm sao học sinh ấy có thể theo được ở những lớp cao hơn của bậc trung học cho được?

Tôi thiết nghĩ, các cơ quan thuộc bộ máy giáo dục nước nhà cần có những chiến lược phù hợp hơn, những kế sách thực tế hơn, những chương trình đào tạo hữu ích hơn, như vậy việc học mới đáp ứng được yêu cầu "giáo dục là quốc sách".